Paphiopedilum delenatii – Lan Hài Hồng

Mô tả lan hài hồng Paphiopedilum delenatii

Cỏ mọc trên đá hoặc trên đất với 5-7 lá mọc thành 2 hàng. Lá từ hình bầu dục tới bầu dục thuôn, tù và có 3 răng nhỏ ở chóp, dài tới 11cm, rộng 3-3,9cm, mép có lông rìa ở gần gốc, các đốm khảm xanh lá cây nhạt và thẫm ở mặt trên, chấm màu tía ở dưới. Cụm hoa 1-2 hoa, rất hiếm khi 3 hoa. Cuống cụm hoa dài tớ 22cm, xanh, đốm, tía, phủ lông trắng cứng. Lá hoa hình bầu dục tớ hình trứng, dài 1,2-1,5cm, rộng 1cm, xanh, đốm tía, có lông ngắn. Cuống hoa và bầu dài tới 5,5cm, màu xanh, có đốm tía, phủ lông. Hoa có đường kính 7,5-8cm, màu hồng nhạt với môi hồng hoặc hồng tía, có đốm đỏ và vàng trên nhị lép, có lông ở cả hai mặt trong và ngoài. Lá đài lưng hình trứng, chóp tù tớ gần nhọn, dài 1,7-3,5cm, rộng 1,8-2,5cm. Lá đài hợp tương tự, dài 1,9-3cm. Môi hình bầu dục tới hình gần cầu, dài 2,5-3,8cm, rộng 2,5-3cm, mép cuốn và trong, có lông tơ nhỏ. Nhị lép hơi lồi, hình trứng, chóp tù, dài 14-17mm, rộng 13-16mm, có lông rìa.

Lan hài hồng Paphiopedilum delenatii
Lan hài hồng Paphiopedilum delenatii

Phân bố

Nam Việt Nam, các tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa, sườn đông của núi hòn giao và vùng núi Bì Đúp.

Sinh thái

Mọc trong rừng thường xanh cây lá rộng trên đá granit và đá gơ-nai dọc theo các dốc đứng của núi và bờ suối ở độ cao 750-1300m.

Thời gian nở hoa trong tự nhiên

Tháng 12

Quan hệ

Lan Hài Hồng (Paphiopedilum delenatii) là một trong những loài đặc hữu hẹp nhất của Việt Nam với khu phân bố chắc chắn ít hơn 100km2. Những loài gần gũi với nó được tìm thấy ở nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Đặc biệt các loài như P. armeniacum, P. micranthum và P. vietnamense có quan hệ gần gũi nhất và cơ quan sinh dưỡng cũng hoàn toàn giống nhau. Paphiopedilum delenatii phân biệt với những loài trên bởi hoa màu hồng-đỏ và nhị lép hình trứng rõ rệt, lồi, hồng tía thẫm với điểm vàng ở giữa. Các điều kiện sinh thái thích hợp của loại này là đá silicat, hoàn toàn trái ngược với các loại gần gũi trên là đá vôi kết tinh như dạng cẩm thạch.

Quan hệ Lan Hài Hồng
Quan hệ Lan Hài Hồng

Lịch sử

Paphiopedilum delenatii được phát hiện bởi một sĩ quan quân đội Pháp, người mà năm 1913 hoặc 1914 đã mang một mẫu vật Paphiopedilum có hoa màu hồng không rõ địa danh từ miền bắc Việt Nam về Pháp. Cây này được gửi về Pháp để trồng tại vườn ươm của M. Delenat và muộn hơn là của M. Mornay. Tuy nhiên, gần như chắc chắn là chúng đã không nở hoa ở Pháp và chết ngay sau khi nhập vào. Không tìm thấy bất cứ tiêu bản nào về các cây này. Rất có thể là thông báo đầu tiên về loài Lan Hài có hoa màu hồng ở miền bắc Việt Nam là dựa trên P. vietnamense hoặc P. micranthum, cả hai loài này được phát hiện gần 85 năm sau. Dù thế nào đi nữa thì thông báo của Guillaumin (1934) về Paphiopedilum delenatii được phát hiện thấy ở bắc Việt Nam là hoàn toàn sai.

Lịch sử lan hài hồng
Lịch sử lan hài hồng

Paphiopedilum delenatii chắc chắn được phát hiện bởi nhà điều tra người Pháp Poilane vào năm 1922 ở gần thành phố Nha Trang, nam Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số cây của lần phát hiện thú vị này ngay sau đó đã được gửi về Pháp. Một vài cây trong đó được M. Delenat và sau đó là M. Mornay, chủ tịch hội làm vườn của hội những người trồng hoa ở vùng Paris trồng ở Pháp. Những cây này nở hoa vào năm 1924 và một trong số chúng được sử dụng làm cơ sở cho việc môt tả loài mới. Năm sau, cây của Mornay đã được nhận chứng chỉ về công trạng và bằng khen của Hội quốc gia Pháp.

Cho đến giữa những năm 1990, tất cả những cây được trồng đều bắt nguồn từ một trong vài cây đầu tiền được nhập vào Pháp. Hầu hết các cây này rất khó trồng và chết rất nhanh, nhưng một cây trong bộ sưu tập của hai ông Vacherot&Leucoufle đã sống sót, ra quả và những cây từ hạt gieo mọc rất tốt. Sau nhiều thế hệ, P. delenatii bây giờ đã trở nên phổ biến và có tiếng là dễ trồng. Koopowitz đã cho rằng sự giao phối liên tục đã loại trừ những gen lặn gây chết để tạo ra sự thay đổi đặc tính rõ ràng này. Tuy nhiên, điều chắc chắn là sự kiện về việc gây trồng P. delenatii phải được coi là một trong những thành tựu bảo tồn tốt của những người trồng Lan và nó cần được mở rộng cho những loài hiếm khác.

Sau chiến tranh ở Việt Nam, rất nhiều người đã cố tìm kiếm những quần thể tự nhiên của P. delenatii. Tuy nhiên, trong một thời gian dài không có bất kỳ quần thể nào được tìm thấy. Rừng xung quanh thành phố Nha Trang đã bị phá hủy và kết quả là người ta cho rằng loài cây quyến rũ này đã bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.

Sự phát hiện lại Paphiopedilum delenatii và những năm đầu của thập kỷ 90 đã được thông báo rộng rãi và viết thành tài liệu chi tiết. Nghi ngờ đầu tiên về việc chúng được phát hiện lại bắt đầu vào năm 1992 khi mà những cây được thu từ thiên nhiên xuất hiện trên thị trường Đài Loan với một số lượng lớn và sau đó nhanh chóng ở Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ. Một vài người buôn Lan ở thành phố Đà Lạt đã có thói quen thu mua Cymbidium aloifolium và C. concolor để xuất khẩu sang Đài Loan làm thuốc. Biết được sở thích của những người bạn hàng quan tâm đến những loài Lan lạ, họ thường gửi cả những loài hiếm trong lô hàng gửi bán. Vào năm 1990 hay 1991, tình cờ một trong những mẫu họ gửi là P. delenatii. Nó được phát hiện lại bởi dân địa phương ở núi Hòn Giao tỉnh Khánh Hòa, cách 40-50km về phía tây của thành phố Nha Trang. Người ta cho rằng khoảng 6 tấn loài Lan này đã được thu để xuất khẩu trước năm 1995. Chúng được mua gom từ dân địa phương với giá 1-3 đô la Mỹ một cân. Số lượng như vậy là không thể có nhưng nó cũng đã làm cho loài Lan này trở nên hiếm ở trong thiên nhiên và giá tăng lên 10 đô la Mỹ một cân vào năm 1995.

Nơi sống

Tại sao loài Lan Hài quyến rũ này đã không được tìm lại sớm hơn? Câu trả lời là vì chúng ta có thông tin sai về nơi sống của nó. Mọi người đều cho rằng, giống như những loài gần gũi, P. denlenatii hẳn phải mọc trên núi đá vôi nhưng thực tế nó mọc trên đất axit của đá granit và đá gơ-nai, hẳn phải đã làm các chuyên gia về Lan Hài ngạc nhiên. Việc phát hiện lại quần thể P. delenatii tự nhiên và mô tả chi tiết nơi sống của chúng được tiến hành thông qua các cuộc điều tra thực địa dài ngày với sự tài trợ của hội Địa lý Quốc gia và Hội Lan Hoa Kỳ. Năm 1995, Averyanov và N. T. Hiệp đã thu được mẫu P. delenatii sống hoang dại ở độ cao 750-900m trên sườn đông nam rất dốc và những vách núi granit bị bào mòn của những hẻm núi thuộc hệ thống sông Liêng Ly, dọc theo ranh giới tây của tỉnh Khánh Hòa. Chúng mọc phổ biến dưới bóng râm ở những khe hở có rêu trên những vách đá dốc hoặc trong lỗ hỏng, chỗ lõm của mặt thềm các vách đá granit trong rừng cây lá rộng thường xanh núi trung bình gần sông suối. Rễ của loài Lan Hài này mọc tiếp xúc với đá hoặc trong đất cát có rất ít mùn và lá cây.

Lan hài hồng mọc ở vách đá granit cao dựng đứng hẻm núi hẹp và sâu
Lan hài hồng mọc ở vách đá granit cao dựng đứng hẻm núi hẹp và sâu

Trong tự nhiên, thường P. delenatii nở hoa vào mùa mưa, tháng 12. Vào thời điểm này, hoa thường bị phá hỏng bởi những cơn mưa rào nặng hạt làm cho khả năng tạo hạt bị suy giảm đáng kể.

Thông thường P. delenatii mọc ở những khu vực rất khó đến được. Những vách đá granit cao dựng đứng, những hẻm núi rất hẹp và sâu, vô số những thác nước và những dòng suối dốc đứng là những cảnh quan điển hình của khu vực này. Ở đây cũng có rất nhiều vắt và là trung tâm của bệnh sốt rét ác tính nhiệt đới. Hầu hết những quần thể mọc ở những nơi dễ tới gần như đã bị cạn kiệt, một số ít cây còn lại chỉ ở những nơi khó tới hơn, mặc dù việc thu mẫu ở ngoài thiên nhiên vẫn tiếp diễn. Vì khu phân bố rất hẹp và việc thu mẫu nhằm mục đích thương mại vẫn xảy ra, loài này đang bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Theo khung đánh giá của IUCN, loài Lan Hài này hiện được liệt vào nhóm loài đang bị tuyệt chủng một cách nghiêm trọng(CR).

Biến thái

Biến thể lan hài hồng
Biến thể lan hài hồng

Mặc dù hoa hồng tươi đồng màu chiếm ưu thế trong quần thể tự nhiên của Paphiopedilum delenatii nhưng đã quan sát thấy một vài dạng biến thái về màu sắc đậm nhạt của hoa. Các cá thể trong một vài quần thể có môi hồng-tía thẫm và thường ngắn hơn bình thường. Dạng hoa trắng tuyền thiếu hoàn toàn chất màu rất hiếm thấy trong thiên nhiên. Những cây hoa trắng tuyền với một đốm nâu vàng tươi ở trung tâm của nhị lép và lá xanh tươi không có đốm tím. Những dạng mới trong trồng trọt cũng có biến đổi về hình dạng và màu sắc lá. Những thay đổi về hình thái quan sát được ở những màu được nhập khẩu thời gian gần đây là một nhân tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu quốc tế về mẫu cây thu từ thiên nhiên.

Theo Lan Hài Việt Nam


XEM THÊM CÁC LOÀI HOA LAN KHÁC:

Viết một bình luận

0 Chia Sẻ
Chia Sẻ
Chia Sẻ
Ghim