Paphiopedilum malipoense – A. Paphiopedilum malipoense var. malipoense – Lan Hài Giáp

Lan hài giáp (Paphiopedilum malipoense) là một loài lan đặc biệt có hoa đẹp tao nhã với lá đài và cánh hoa xanh lá cây, môi xám-xanh nhạt và nhị lép trắng với chóp màu nâu tía. Loài này đã được trao giải thưởng vì hoa có mùi thơm táo hoặc thoảng mùi anh đào. Chúng có lá rộng kẻ ô chữ nhật hoặc đốm khảm xanh lá cây tươi hoặc xanh thẫm, đóm tím tía ở mặt dưới, và cụm hoa thường dài mang một hoa to đơn độc. Nó gần gũi với các loài P. micranthum và P. armeniacum.

Mô tả lan hài giáp

Cỏ mọc trên đất hay mọc trên đá với 4-6 lá mọc thành 2 hàng và có thân rễ ít nhiều kéo dài với đường kính 2-3,5mm. Lá dài, gần dựng đứng, hình bầu dục thuôn hay bầu dục hẹp, nhọn không đối xứng ở chóp, dài 10-16(20)cm, rộng 2,5-5(7)cm, đốm khảm xanh lá cây tươi hoặc xanh sẫm ở mặt trên, có đốm tím dày và gờ ở mặt dưới; cuống lá dài 2-4cm, có lông rìa ở mép gần gốc. Cụm hoa dài 30-50cm, có 1-2 hoa; cuống xanh, có đốm tía nâu hoặc lông tơ trắng hoặc tía nâu; lá hoa hình trứng hay mũi giáo hẹp, dài khoảng 1,5cm, có lông rìa trắng ở mép, lông tơ trắng ở mặt ngoài. Hoa rộng 8-12,2cm, có mùi thơm ngọt dịu; lá đài và cánh hoa xanh táo, có đốm và sọc tím-hồng; môi vàng-xám xanh nhạt, có những đốm tím hồng ở mặt trong; nhị lép trắng tuyền, nâu thẫm hạt dẻ ở nửa trên, cuống hoa và bầu dài không 4cm, có lông trắng và mỏ ở chóp. Lá đài lưng hình trứng rồng tới hình mũi giáo-bầu dục với mũi nhọn ở chóp, dài 4,4-7,1cm, rộng 1,8-4,5cm, có lông tơ trắng lưa thưa ở mặt trong, không có ở bên ngoài. Lá đài hợp hình trứng rồng tới hình mũi giáo-trứng, nhọn hoặc đôi khi có 2 răng ở chóp, 2 gờ ở lưng, dài 3,8-5,3cm, rộng 2,4-4,8cm. Cánh hoa hình trứng, hơi nhọn, dài 4-7,1cm, rộng 3,4-5,1cm, có lông tơ trắng ở gốc, lông nhung trắng ở mặt trong. Môi nằm ngang, hình túi sâu, dài 4,5-6,5cm, rộng 1,8-5,4cm, gần như hình cầu, mép không cuộn vào trong, có lông tơ trắng phí trong gốc, lông mịn bên ngoài. Nhị lép lồi, từ hình trứng rồng tới thuôn, dài 11-13mm, cụt ở chóp, gần như không có cuống, cong lông mép trắng và lông nhung ở nửa dưới, có gờ ở lưng, có bướu lồi tròn trên bề mặt ở nửa trên.

Lan Hài Giáp Paphiopedilum malipoense
Lan Hài Giáp Paphiopedilum malipoense

Phân bố lan hài giáp

Nam Trung Quốc (đông nam Vân Nam, tây Quảng Tây, tây nam Quỳ Châu), bắc Việt Nam (Bắc Kạn, Hà Giang, Hoa Bình, Lạng Sơn, Quảng Bình, Sơn La, Thanh Hóa và Tuyên Quang), đông bắc Lào.

Một số nơi lan hài giáp thường mọc
Một số nơi lan hài giáp thường mọc

Sinh thái

Lan hài giáp mọc ở rừng nguyên sinh, rậm, thường xanh cây lá rộng hỗn giao và cây lá kim trên núi đá vôi kết tinh bị bào mòn mạnh ở độ cao từ (450) 600 đến 1200(1450)m.

Thời gian nở hoa trong tự nhiên

Tháng 3-4

Quan hệ giống loài

Lan Hài giáp (Paphiopedilum malipoense) là một loài lan đặc biệt có hoa đẹp tao nhã với lá đài và cánh hoa xanh lá cây, môi xám-xanh nhạt và nhị lép trắng với chóp màu nâu tía. Loài này đã được trao giải thưởng vì hoa có mùi thơm táo hoặc thoảng mùi anh đào. Chúng có lá rộng kẻ ô chữ nhật hoặc đốm khảm xanh lá cây tươi hoặc xanh thẫm, đóm tím tía ở mặt dưới, và cụm hoa thường dài mang một hoa to đơn độc. Nó gần gũi với các loài P. micranthum và P. armeniacum.

Lan hài giáp loài lan đặc biệt có hoa đẹp tao nhã cánh hoa xanh lá cây
Lan hài giáp loài lan đặc biệt có hoa đẹp tao nhã cánh hoa xanh lá cây

Lịch sử

Lan Hài Giáp Paphiopedilum malipoense lần đầu tiên được các nhà thực vật học Trung Quốc, S. C. Chen và Z. H. Tsi mô tả vào năm 1984 dựa trên tiêu bản thực vật do K. M. Feng thu năm 1947 ở gần Malipo, đông nam tỉnh Vân Nam, sát biên giới Việt Nam. Tiêu bản gốc được lưu giữ tại phòng tiêu bản thực vật thuộc Viện Thực Vật Bắc Kinh. Ban đầu loài này được cho là đặc hữu của phần tây nam Trung Quốc. Nó vẫn được ít biết đến cho đến khi thu hút sự chú ý của mọi người vào năm 1984 khi được đưa vào trồng trọt. Cùng thời gian này, một số lượng lớn cây sống được thu từ thiên nhiên xuất hiện trên thị trường Lan Hong Kong.

Lịch sử lan hài giáp
Lịch sử lan hài giáp

Mặc dù đã có một lượng lớn được xuất ra khỏi Trung Quốc nhưng trong một thời gian dài sự phân bố tự nhiên của chúng vẫn chưa được biết rõ ràng. Ban đầu nó được thu từ những ngọn núi gần thị trấn Malipo. Bên cạnh địa điểm thu mẫu chuẩn này, quần thể tự nhiên của loài này cũng được quan sát thấy dọc ranh giới nam của cao nguyên đá vôi Quý Châu ở độ cao 800-1100m, về phía tây của tỉnh Quảng Tây. Khu phân bố được biết đến hiện nay của Paphiopedilum malipoense ở Trung Quốc bao gồm khu vực núi đá vôi cácxtơ ở tỉnh Vân Nam. Khu vực đá vôi này là một vùng địa lý sinh học đặc biệt và bao trùm một diện tích lớn ở bắc Việt Nam. Kết quả, người ta cho rằng Paphiopedilum malipoense cùng có ở Việt Nam. Trên thực tế, một lượng đáng kể các cây xuất đi từ Trung Quốc là bắt nguồn từ khu vực giáp ranh với Việt Nam. Vài năm sau đó, nó cũng được phát hiện ở nhiều nơi của Việt Nam dọc biên giới với Trung Quốc và Lào. Vài đợt khảo sát gần đây đã cho thấy đây là loài phân bố rộng ở bắc Việt Nam.

Loài cây này mọc trên những vách núi đá vôi rất dốc khó có thể tới được. Điều này giải thích vì sao nó không được phát hiện sớm hơn mặc dù có phạm vi phân bố rộng ở Việt Nam. Rất nhiều quan thể Paphiopedilum malipoense đã được quan sát thấy ở Việt Nam trên những dãy đá vôi vắt ngang bên giới với Lào. Không nghi ngờ gì nữa, loài này phải có ở Lào, nhưng tiếc chưa có tiêu bản nào được thu ở đây.

Lịch sử lan hài giáp
Lịch sử lan hài giáp

Mô tả đầu tiên về nơi sống tự nhiên của Paphiopedilum malipoense là của Fowlie. Ông tìm thấy nó trên các ngọn núi đá vôi ở tây nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ở độ cao 760-1040m, mọc trên nền đá vôi nơi có đất và mùn lá cây. Sau đó, loài này được tìm thấy ở những chỗ tương tự thuộc 2 địa điểm ở tây nam Quỳ Châu, 3 địa điểm ở tây Quảng Tây và 3 địa điểm ở đông nam Vân Nam. Nó mọc ở những nơi râm mát của rừng thường xanh trên sườn bắc của những ngọn núi đá vôi có độ cao giữa 850 và 1200m. Ở Quý Châu, nó mọc cùng chỗ với các loài lan khác như P. concolor, Vanilla annamica, Phalaenopsis wilsonii, Vanda concolor và Cheirostylis siensis. Thêm nữa, nó cũng mọc cùng với P. micranthum trên các sườn bắc gần đỉnh núi đá vôi rất dốc. Độ pH của đất là 7,47. Ở Quảng Tây, nó được tìm thấy ở độ cao 1300m trong rừng ngay dưới đỉnh, mọc trong bóng râm giữa những tảng đá vôi trên đất nâu, bở, ít nhiều trung tính và cùng cạnh tranh với các loài cỏ khác. Ở nơi khác trong tỉnh, nó được tìm thấy ở 2 địa điểm có độ cao 1000-1050m, nơi rừng che phủ đã bị phá hủy. Nó chỉ sót lại trong những bóng râm bao quanh rễ nhưng cây bụi và tre dày đặc trên sườn bắc dốc. Đất ở đây cũng ít nhiều trung tính nhưng đã mất đi rất nhiều chất mùn.

Theo những thông tin gần đây dựa trên những đợt điều tra thực vật ở Việt Nam, Paphiopedilum malipoense là một trong những loài Lan Hài phổ biến nhất sống trên đá vôi. Nó sống trên tất cả các khu vực đá vôi lớn nhất ở một số tỉnh miền bắc Việt Nam. Các điều kiện môi trường sống ở Việt Nam cũng giống như đã miêu tả đối với nam Trung Quốc. Loài này mọc trong rừng cây lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao và rừng cây lá kim, trên những sườn núi dốc và những vách núi đá vôi bị xói mòn mạnh.

Nếu như rừng không bị phá hoại, loài này đã rất phổ biến trên các sườn núi ở bất kỳ hướng phơi nào. Tuy nhiên, trong điều kiện sống bị suy thoái, đa phần các quần thể của chúng chỉ sót lại trên những vách đá ẩm hơn của sườn bắc và đông bắc. Thông thường, Paphiopedilum malipoense mọc ở độ cao giữa 700-1200m. Tuy nhiên biên độ phân bố theo độ cao của loài này rộng một cách đáng ngạc nhiên. Các quần thể của nó ở Việt Nam được tìm thấy ở độ cao từ 450-1450m. Những sườn đá rất dốc bị che bóng, những khe hẹp và sâu, những hố bên dưới các đỉnh núi đá vôi là các nơi sống điển hình của Paphiopedilum malipoense. Tất cả những quần thể của var. malipoense được phát hiện thấy cũng mọc trên đá vôi kết tinh giống như đá cẩm thạch với những vách đá bị bào mòn dựng đứng.

Các điều kiện khí hậu ở đây đặc trưng cho bắc Việt Nam. Đây là khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với mùa đông lạnh và mùa hè nóng ẩm. Mùa đông ở đây rất khô với nhiệt độ trung bình vào khoảng 11-15 độ C ở độ cao từ 500-1000m. Tháng lạnh nhất là tháng 12 và tháng 1 với nhiệt độ ban đêm có thể xuống tới -2 độ C. Vào mùa đông, thường không có sương muối vào buổi sáng trên mặt đất ở những nơi quang đãng. Trong suốt tháng 3 và những tuần đầu tháng 4, sương mù lạnh và dày đặc rất phổ biến. Đây là nguồn cung cấp độ ẩm chính trong thời gian này trong năm. Mùa hè kéo dài từ giữa tháng 4-9 và tháng 10, trời nóng với nhiệt độ trung bình 23-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất đôi khi lên tới 38-40 độ C. Mùa mưa với những cơn mưa rào xối xả bắt đầu từ tháng 6-8. Độ ẩm trong thời gian này rất cao. Lượng mưa trung bình năm của khu vực dao động từ 1600-2700mm.

Khu phân bố phía nam của Paphiopedilum malipoense ở Việt Nam là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa với mùa đông lạnh và nhưng cơn mưa hè-thu nóng. Khí hậu ở đây có mùa đông ấm hơn và mùa mưa chuyển sang mùa thu. Đa phần các cơn mưa lớn ở đây được thấy trong các tháng 9-11. Lượng mưa trung bình năm dao động từ 2500-3000mm. Do có lượng mưa lớn, loài này mọc ở nơi có độ cao thấp hơn.

Cận cảnh hoa lan hài giáp
Cận cảnh hoa lan hài giáp

Ở những khu rừng nguyên sinh chưa bị tàn phá Paphiopedilum malipoense mọc rất nhiều ở những hốc đá vôi, dọc theo dãy của những hẻm núi nhỏ hẹp và sâu trên đất giàu mùn và lá cây mục. Nó cũng mọc ở khe nứt của những tảng đá dựng đứng. Quần thể Paphiopedilum malipoense thường mọc ở những sườn dốc gần đỉnh. Loại này rất dễ dàng mọc lan rộng trên những sườn núi dốc và dựng đứng vì có thân bò mang một loạt cây non và cây trưởng thành. Nó có thể tạo thành lớp phủ liên tục với vai trò cùng ưu thế với quần xã cây thân cỏ mọc trên đá tại một số nơi.

Nụ hoa của Paphiopedilum malipoense xuất hiện ngoài thiên nhiên trong suốt tháng 9 và tháng 10 nhưng nhiệt độ thấp sau đó hạn chế sự phát triển của chúng. Ở nơi sống của chúng trên độ cao 1000-1400m thời tiết bất thường vào ban đêm của các tháng 12-1-2, nhiệt độ có thể xuống tới 1 hoặc 2 độ C do sương giá. Thời kỳ ra hoa của Paphiopedilum malipoense ở Bắc Việt Nam trùng hợp với thời gian ấm áp của mùa xuân, vào tháng 3 và tháng 4. Điều đáng ngạc nhiên là cụm hoa của loài này có thể dài tới 60-65cm ở ngoài thiên nhiên. Điều này làm tăng khả năng đón nhận gió do nơi sống của nó là các hộc và hẻm núi rất hẹp và sâu.

 

Ở Việt Nam Paphiopedilum malipoense hiện vẫn còn gặp phổ biến ở một vài địa phương. Tuy nhiên nó là một trong những loài cây thân cỏ dễ bị tổn thương nhất trong rừng nguyên sinh. Sau những cây gỗ lớn bị chặt thì nơi sống trở nên khô và loài ưa ẩm này nhanh chóng biến mất. Việc thu mẫu nhằm mục đích thương mại xảy ra trên toàn bộ phạm vi phân bố của nó. Loài cây này thường xuyên bị xuất khẩu bất hợp pháp sang Trung Quốc từ những chợ dọc biên giới. Người ta đã ước lượng rằng tổng số cây Paphiopedilum malipoense được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian 1990-1997 có thể đạt vài tấn trong mỗi năm. Điều này cho thấy loài này đang ở trong tình trạng nguy cấp(EN). Ở Trung Quốc Paphiopedilum malipoense đã bị tiệt chủng ở hầu hết các nơi đã biết trước đây do sự suy thoái thảm thực vật nguyên sinh và việc thu mẫu nhằm mục đích thương mại. Các cây Paphiopedilum malipoense được thu từ thiên nhiên vẫn được bày bán ở các chợ hoa Côn Minh và Vân Sơn ở Vân Nam và các chợ hoa khác trong vùng. Ở Côn Minh các cây này được bán với giá từ 30-50 nhân dân tệ( so với 10 nhân dân tệ/kg của loài P. micranthum). Mức giá này cho thấy Paphiopedilum malipoense rất hiếm ở ngoài thiên nhiên, có thể là hiếm nhất trong các loài Lan của Trung Quốc.

Các biến thể và hình thái của lan hài giáp

Sự khác nhau về hình dạng và màu sắc có thể thấy rõ trong quần thể của var. malipoense ở Việt Nam. Hoa ở các quần thể khác nhau có thể khác nhau về chiều rộng từ 6-12cm, cánh hoa của các quần thể ở phần bắc rộng và ngắn hơn so với các quần thể ở phần nam. Lá đài thường có màu xanh táo đồng nhất, nhưng đôi khi có đốm tía rất đẹp ở gốc, cánh hoa có màu xanh táo tươi, sau đó trở lên xanh vàng nhạt, và ít nhiều có sọc nâu tím. Cây mọc ngoài thiên nhiên thường cụm hoa chỉ có một hoa nhưng thỉnh thoảng một hoa thứ hai nhỏ hơn có thể được hình thành. Dạng hoa trắng, với bao hoa và nhị lép vàng nhạt không có sọc rất hiếm gặp nhưng có giá rất cao. Những cây này cũng không có bất kỳ màu tím nào ở trên lá và cụm hoa. Mỗi dạng có môi trắng và thùy bên tía nâu được nhận ra trong số những cây nhập vào Đức gần đây từ Việt Nam hoặc nam Trung Quốc là Paphiopedilum malipoense var. tonnianum J. Roth.

Vườn hoa lan hài giáp
Vườn hoa lan hài giáp

Theo sách Lan Hài Việt Nam

Trên đây là những thông tin liên quan đến Lan hài giáp Paphiopedilum malipoense do Orchivi.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích hơn.


XEM THÊM CÁC LOÀI HOA LAN KHÁC:

Viết một bình luận

0 Chia Sẻ
Chia Sẻ
Chia Sẻ
Ghim