Hình thái Lan Hài

Nói về hình thái lan Hài, có thể thấy các loài Lan Hài có hình dạng bên ngoài rất đa dạng. Một số đại diện ở vùng ôn đới của chi Cypripedilum là các loài có thân cỏ lùn nhỏ, các loài Selenipedium và loài Cypripedilum irapeanum và C. subtropisum là các loài có thân dạng trúc, cao đến 1-3m. Tuy nhiên, ở đây ta chỉ quan tâm đến các loài Lan Hài nhiệt đới châu Á có phân bố tại Việt Nam. Tất cả đều thuộc chi Paphiopedilum.

Dạng cây Lan Hài

Dạng cây Lan Hài
Dạng cây Lan Hài

Các loài Paphiopedilum là các loài thân cỏ có kích thước trung bình với thân rất ngắn mang nhiều lá mọc thành hai hàng xếp hình quạt. Tất cả đề có thân rễ nhưng thường rất ngắn. Tuy nhiên, một số loài như  P. malipoense và P. micranthum lại hình thành thân rễ kéo dài liên kết rất nhiều gốc với nhau thành một mạng lưới ngầm dưới đất. Đối với những loài này có thể bao phủ tới một vài mét vuông nếu như có điều kiện sống thuận lợi. Đối với các loài khác, ví dụ như P. hirsutissimum hay P. dianthum, một cây có thể có từ một đến hai mươi gốc mọc chụm thành bó dày đặc.

Lá Lan Hài

Lá lan hài
Lá lan hài

Lá của các loài Paphiopedilum thường có dạng lá gấp đôi, hình trứng ngược hay bầu dục thuôn và mở rộng. Mỗi lá có đốt ở gốc, dưới đó là bẹ lá hình chữ V xếp xít lên nhau trên thân. Ở một số loài như P. dianthum hay P. hirsutissimum các lá có thể dài tới 50cm. Nhưng ở một số loài như P. helenae, cây trưởng thành đôi khi có lá không dài quá 3cm. Mặt trên của lá có thể có màu xanh lá cây cùng màu hay khảm bởi các mảng xanh lá cây đậm nhạt không đều nhau với các gân lá màu xanh lá cây thẫm nổi rõ.

Ở một số loài khác các vết tím xỉn chỉ thấy rõ ở gần gốc lá. Rất ít loài có mặt dưới lá thuần màu xanh lá cây. Chất màu tím ở lá cây cũng có ít ở các cây cớm nắng. Rõ ràng là đặc điểm và mật độ của vết khảm màu trên lá rất khác nhau ở mỗi loài. Mép lá non của một số loài, ví dụ ở P. malipoense có thể có lông. Lá của các loài điển hình cho điều kiện sống khô như P. helenae và P. dianthum, mọng nước và cứng.

Hoa Lan Hài

Hoa Lan Hài
Hoa Lan Hài

Hoa của các loài Paphiopedilum có hai lá đài ở vòng ngoài: một lá đài lưng và một lá đài hợp và ba cánh hoa ở vòng trong.

Lá đài lưng thường lớn, hướng thẳng lên trên và thường nổi bật với các vạch hay chấm ở mặt trong. Đôi khi nó ôm lấy phía trên môi hình túi tạo thành nắp trên che cho môi khỏi bị nước mưa chảy vào. Đối với các loài khác, nó dựng thẳng và có vai trò như một lá cờ. Lá đài lưng nằm đối diện với lá đài hợp ở vị trí thấp hơn và hướng xuống phía dưới được hình thành bởi sự dính lại hoàn toàn của hai lá đài bên.

Nguồn gốc của lá đài hợp được thể hiện rõ bởi nó có hai gân chính và hai sống khum lên theo chiều dọc ở mặt ngoài. Lá đài hợp nằm phía sau của môi thường có một màu tối xỉn và kém nổi bật hơn hẳn so với lá đài lưng. Cả lá đài lưng và lá đài hợp đều thường có lông tơ dày ở mặt ngoài. Đối với một số loài, như P. micranthum, lông tơ dày có cả ở mặt trong.

Hai cánh hoa bên đều dễ dàng nhận thấy ở hai bên lá đài và thường hơi xòe xuống dưới theo chiều ngang. Chúng có thể có hình thìa, bầu dục, trứng hay tròn. Cánh hoa hình mũi giáo hẹp, xoắn ốc hẹp dần từ gốc lên đến đỉnh đặc trưng cho loài P. dianthum. Cánh hoa của loài này có các lông tuyến mềm ở đỉnh và thường mang các bó lông tuyến nhỏ cùng với lông mềm dọc theo mép ở gốc. Ở các loài như P. callosum và P. appletonianum, ngoài lông mềm còn có các mụn ở mép nhô lên ở mặt trên và đôi khi cả mặt dưới của mép cánh. Ở một số loài mép trên cánh hoa uốn gợn sóng rõ rệt. Kiểu này có thể thấy rõ nhất ở P. hirsutissimum.

Cánh hoa giữa thứ ba của hoa ở các loài Paphiopedilum biến dạng rõ rệt để hình thành một môi giống như cái bao hay hình chiếc hài có vai trò như một cái bẫy đối với các loài côn trùng có khả năng thụ phấn. Môi có ba thùy với thùy giữa lõm sâu và các thùy bên vòng xung quanh. Đối với các loài khác ở Việt Nam, mép của thùy giữa không cuốn vào trong nhưng các thùy bên có mụn và nhẵn bóng rất phát triển và cuộn vào hình thành một ống ở gốc môi.

Môi của các loài Paphiopedilum có vai trò bẫy các tác nhân thụ phấn và cùng với các mép ngăn chặn côn trùng đã lọt vào trong môi không thể thoát ra ngoài dễ dàng. Côn trùng muốn thoát ra ngoài phải đi theo một cái thang bằng lông dẫn từ trong túi đến gốc của môi để có thể leo lên và đi ra ngoài theo một cửa hẹp ở phía trên cột nhị-nhụy lần lượt qua bên dưới núm nhụy và một bao phấn.

Các nhị đực còn lại và nhị cái của Lan Hài hợp lại với nhau thành một cột hình trụ ở trung tâm của hoa.

Cấu tạo chính của cột nhị-nhụy là một nhị lép hình ô nhô cao ở đỉnh được hình thành từ nhị đực bất thu giữa của vòng ngoài. Mặc dù có sự khác biệt lớn giữa các loài, song hình dạng, màu sắc, lông của nhị lép có ý nghĩa quan trọng trong phân loại của chi.

Ở phía sau và bên dưới nhị lép đính với núm nhụy hình trứng hoặc hình tròn có cuống. Đĩa lồi, có núm nhụy nhẵn được chia thành ba phần bởi các rãnh nông phản ánh nguồn gốc của nhị cái đã được hợp lại từ ba lá noãn.

Hai nhị đực có chỉ nhị ngắn và bao phấn hình bầu dục rộng dính liền ở phía sau núm nhụy và ở hai bên của cuống cột. Chúng chính lá các nhị đực bên trong của vòng trong. Chỉ nhị của hầu hết các loài đều mở rộng thành một điểm nhô cao ở đỉnh. Các ô của bao phấn thường nằm sắt nhau nhưng đôi khi lại tách rời nhau. Khối phấn của hầu hết các loại thường dính, nhưng đối với P, delenatii và P. micranthum lại có dạng bột.

Quả Lan Hài

Quả của lan hài là dạng quả nang, khô, dài, có một ô với ba van rộng và ba van hẹp. Quả mở ở gần đỉnh bằng 6 rãnh nứt. Quả thường chín trong điều kiện tự nhiên sau khi thụ phần từ sáu đến mười tháng.


XEM THÊM CÁC LOÀI HOA LAN KHÁC:

Viết một bình luận

0 Chia Sẻ
Chia Sẻ
Chia Sẻ
Ghim